PALESTINE, NGÀY MAI SẼ TỰ DO!

Lê Trần Quỳnh - 05/2011

Chủ nhật, ngày 15/05/2011, đã bước sang ngày thứ 4 kể từ khi đặt chân tới Jordan của chúng tôi, đoàn nhà báo 5 người tới từ Việt Nam. Theo lời mời của nhà nước Palestine, chúng tôi cần tới Ramallah để dự ngày thảm họa của nhà nước Palestine vào ngày 15/05/2011, tuy vậy tới ngày hôm nay chúng tôi vẫn nằm tại Amman, thủ đô của Jordan.

Một lộ trình đã được vạch sẵn, rời Hà Nội vào ngày 10/05, tới Amman vào chiều ngày 11, sau rất nhiều thủ tục chúng tôi được nhập cảnh Jordan để sẵn sàng cho ngày thứ 6, 13/05 tiến về Palestine. Tuy vậy, mọi sự không theo kế hoạch, điều này được một vài thành viên trong đoàn có dự cảm trước, nhưng không vì thế mà chúng tôi ở lại Hà Nội, chúng tôi vẫn lên đường, lên đường để tìm tới Palestine, đất nước của thảm họa, của chiếm đóng và của đầy những khó khăn mà chúng tôi muốn được tận mắt chứng kiến, chia sẻ với người Palestine không tổ quốc…

Ngày lại ngày, sau bữa sáng nhóm phóng viên lại thảo luận các vấn đề và cùng lo lắng, phấp phỏng chờ đợi thông tin từ nhà nước Palestine về việc xin visa nhập cảnh.

Ngày mai, ngày mai là điều mà chúng tôi cứ đếm dần đếm dần và cũng hy vọng hy vọng và hy vọng. Hy vọng điều diệu kỳ, hy vọng chiếc điện thoại reo lên từng hồi…nhưng dường như thánh Ala vẫn đang thách thức sự kiên trì của đoàn nhà báo chúng tôi…

Tiếng súng nổ, tiếng bình luận viên trên kênh truyền hình Al Jazeera của Arab liên tục đưa những tin bình luận, những hình ảnh về các cuộc biểu tình của người Palestine đang diễn ra tại Rericho, Ramallah…

Chiều ngày 15, sau khi hội ý nhanh, chúng tôi bắt đầu thay việc chờ đợi tại khách sạn bằng việc dạo vòng Amman. Băng qua nhưng con phố yên bình của Amman, chúng tôi đến một ngôi đền thờ hồi giáo, khi biết chúng tôi tới từ Việt Nam, vị giáo sư tại ngôi đền đã rất vui mừng mời chúng tôi vào trong dự lễ cầu nguyện…

Kết thúc buổi cầu nguyện kéo dài chừng 15 phút, vị giáo sư lại nồng nhiệt mời chúng tôi dùng trà và cùng đàm đạo về vấn đề Palestine.

Cuộc đàm thoại đang diễn ra, điện thoại của tôi rung lên từng hồi. Dường như chúng tôi đều nín thở mỗi khi điện thoại rung chuông…hy vọng rồi lại thất vọng. Ngài đại sứ Saadi thông báo cho chúng tôi việc cấp visa vẫn chưa được thực hiện với một giọng buồn bã, ông tha thiết và mong mỏi mong chờ đưa chúng tôi tới quê hương ông, tới những vùng đất mà ông đã kể chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện…và giờ đây việc đó thật mong manh trước những cố gắng không nghỉ của người Palestine, và họ luôn tin chờ ở thánh Ala…

Cuối cùng thì chúng tôi cũng được lên đường…

Đó là buổi sáng thứ 3 ngày 17 tháng 5, giấy phút hạnh phúc nhất với chúng tôi đã tới, khi Đại sứ Palestine Saadi Salama thông báo đã có giấy phép nhập cảnh.

Biên giới giữa Jordan và Israel đang ở trước mắt chúng tôi. Muốn nhập cảnh Palestine phải được sự cho phép của Israel, điều nghịch lý này đã tồn tại từ hàng chục năm nay.

Qua 5 cửa kiểm soát, nhóm nhà báo Việt Nam cũng đã vượt qua được biên giới giữa Jordan và Israel để bước vào vùng lãnh thổ Palestine.

Những bức tường ngăn cách do Israel dựng lên đã trải dài trước mắt chúng tôi, bên cạnh đó là những trạm kiểm soát xuất hiện khá nhiều trên những chặng đường và rồi Palestine đã ở trước mắt chúng tôi, chúng tôi đã rất gần với Ramallah.

“Tôi rất phẩn khởi, các bạn là đoàn Việt Nam không chính thức đầu tiên có mặt tại Palestine….”

Những nhà báo đầu tiên, chúng tôi cũng không ngờ mình lại là những nhà báo Việt Nam đầu tiên tới được Bờ Tây để tận mắt nhìn thấy những hàng rào ngăn cách, những trại tị nạn, những khu định cư Do Thái trên mảnh đất khô cằn huyền thoại này.

 

Nhưng còn có vô vàn những nỗi đau ẩn ngầm khác của chiếm đóng khác mà phải sống sâu trong lòng Palestine mới hiểu thấu. Chiếm đóng không chỉ là những bức tường, ở giữa chúng là một loạt những phức hợp khó tưởng tượng.

 

Sự chiếm đóng tạo ra những hoàn cảnh độc nhất vô nhị.” Câu nói ấy của Bà Bộ trưởng Du lịch Palestine không dễ quên. Những cảnh tưởng “độc” và “lạ” ấy chúng tôi nhìn thấy rất nhiều trên mỗi nẻo đường. Ngôi trường cấp I trong trại tị nạn Aida cách Jerusalem 7,3 Km chẳng hạn. Ngôi trường ấy hoàn toàn không có cửa sổ hay nói đúng ra là mọi cửa sổ đã được bịt kín bởi sợ đạn từ phía hàng rào phân chia cách đó không xa.

Sống trong sự chiếm đóng từ hơn 60 năm qua, chưa bao giờ, người Palestine nguôi ngoai khát vọng được sống trong độc lập tự do. Khát vọng ấy đã khiến họ có sự gần gũi về mặt tình cảm với Việt Nam, một tình cảm vượt ngoài sức tưởng tượng khiến tất cả chúng tôi đều bất ngờ. Chúng tôi đã kiểm chứng điều ấy trên khắp các nẻo đường Palestine.

Đến Palestine chúng tôi mới hiểu cội rễ của tinh thần tranh đấu ấy, như Giám đốc Học viện An ninh Palestine đã nói, “Không có chân lý nào chết nếu còn có người đòi hỏi”. Chân lý đã được chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: KHỐNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO.” Chỉ điều đó thôi là đủ để Việt Nam luôn có một vị trí trong tình cảm của người dân Palestine và ngược lại.

“Chúng tôi phải tự giành lấy tự do cho mình cho dù phải giành lấy bằng đá. Nỗ lực để được Liên Hợp Quốc công nhận là một nhà nước độc lập trên danh nghĩa là có thể nhưng đó chỉ là một cuộc chơi chính trị. Nhưng trên thực tế, cần có một nỗ lực có tổ chức để chống lại và đuổi quân chiếm đóng khỏi lãnh thổ của chúng tôi. Độc lập không phải cái được cho, đó là cái phải giành lấy. Người Việt Nam là một minh chứng cho điều đó…”, một người bạn Palestine gặp gỡ và chia sẻ với chúng tôi điều đó, có lẽ những người thuộc thế hệ trẻ như chúng tôi còn cần phải đọc, đi và cảm nhận rất nhiều mới thêm hiểu về chính quê hương tổ quốc của mình hơn, đến Palestine, với tôi cảm nhận hai từ “tổ quốc” thật thiêng liêng biết chừng nào.

Cả thế giới giờ đây vẫn chưa quên hình ảnh nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc “Tôi đến đây mang theo cành ô liu và khẩu súng của người chiến sĩ đấu tranh vì tự do. Xin đừng để cành ô liu rơi khỏi tay tôi… “

Đó là câu nói bất hủ đầy nhiệt huyết đấu tranh vì chính nghĩa của chủ tịch Arafat khi lần đầu tiên xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974 với tư cách không phải là một nguyên thủ quốc gia.

Còn với cá nhân tôi, tôi tin rằng, cho dù cuộc đấu tranh ấy có thể kéo dài nhưng ngày độc lập chắc chắn rồi sẽ tới trên mảnh đất của những cành ôliu.

BÀI MỚI