NAM PHI NẾU KHÔNG CÓ NELSON MANDELA

Trương Công Thành - 06/2019

“Không thể có một quốc gia vừa là bên nguyên, vừa là bên bị cáo, vừa là quan toà” – Nelson từng nói như vậy

 

Nếu Nelson Mandela ra đi, liệu điều gì sẽ xảy ra đối với đất nước Nam Phi?

Anh có thể đăng ký gặp ông ấy, ai cũng có thể – người hướng dẫn viên Nam Phi nhún vai – Nhưng anh sẽ phải đợi đến năm sau mới tới lượt mình!

Bức tượng Nelson Mandela được đặt tại Quảng trường mang tên ông ở thủ đô Pretoria

 

Vậy là mong muốn diện kiến Nelson Mandela trong cơ hội hiếm hoi đặt chân tới Nam Phi, bất thành. Thực ra tôi đã biết kết quả sẽ là như vậy, nhưng cái cách khẳng định “ai cũng có thể” một cách thoải mái và đầy tin tưởng, cho thấy hình ảnh Nelson trong lòng những công dân Nam Phi gần gũi đến thế nào.

 

Tôi chưa tới Hoa Kỳ, nhưng tôi nghĩ nếu gọi đó là Hợp chủng quốc thì Nam Phi cũng hoàn toàn xứng đáng có cái tên tương tự. Quốc gia đa sắc tộc chẳng hạn. Kể từ khi Công ty Đông Ấn Hà Lan – những người Châu Âu đầu tiên đặt chân đến bờ biển Cape vào thế kỷ 16, Nam Phi đã bước vào cuộc toàn cầu hoá về chủng tộc, ngay trên đất nước của họ. Ngay tại nguồn gene gốc của loài người.

 

Trong nhiều thế kỷ sau đó, người Hà Lan và người Anh chia nhau cai quản Nam Phi như một thuộc địa. Phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa này, họ mang tới đây người Ấn Độ, người Trung Quốc, người Malaysia và cả người Việt Nam. Dẫu vậy, quyền lực tuyệt đối trên mọi khía cạnh đã luôn thuộc về những người da trắng, chỉ chiếm 9% dân số.

 

Không phải vịnh Hạ Long hay động Phong Nha, chính cuộc chiến với người Mỹ mới là thứ nhắc nhở thế giới này nhớ tới Việt Nam. Tương tự, nói đến Nam Phi, người ta sẽ nghĩ ngay tới chế độ phân biệt chủng tộc aparthied, dù nó đã bị xoá bỏ từ năm 1994. Có nhiều bất công dưới chế độ aparthied, chỉ đơn cử luật xem hôn nhân giữa người da trắng và da đen là trọng tội. Một cặp vợ chồng như vậy không được pháp luật thừa nhận, và người vợ (chồng) là da đen sẽ bị tử hình. Cùng những luật lệ hà khắc khác, thứ kỳ thị chủng tộc cực đoan này đẩy các sắc tộc đã quá đa dạng ở Nam Phi sang những lằn ranh chia rẽ sâu sắc.

Người đàn ông da trắng hiếm hoi lang thang trên đường phố Johanesburg

 

Người chấm dứt chế độ đối xử bất công kéo dài gần nửa thế kỷ đó chính là Nelson Mandela – một huyền thoại với 27 năm bị cầm tù cho nỗ lực đòi quyền bình đẳng cho các màu da không trắng.

 

Nhưng ngay sau khi đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên tại Nam Phi năm 1994, Nelson Mandela phải đối mặt ngay với vấn đề mà ông dành nhiều năm để xoá bỏ: phân biệt chủng tộc. Những người da màu, khi lật đổ được ách thống trị hà khắc của người da trắng, hướng ngay tới một cuộc bài xích, giành đoạt, nếu không muốn nói là trả thù – với những kẻ từng áp bức mình.

 

Trong tiểu thuyết Cội Rễ của Alex Haley, suốt thế kỷ 19, những chuyến tàu nô lệ chở đầy ắp những người da đen bị bắt cóc, đưa tới Mỹ để bán cho các chủ đồn điền. Họ giữ nguyên màu da và sự tự hào về chủng tộc cho đến khi bị khuất phục, pha trộn và đồng hoá với những người da trắng. Trong cuốn tiểu thuyết best-seller (bán chạy) đó, người da đen thuần gốc kỳ thị, thậm chí khinh miệt những người da nâu – những con lai với người da trắng.

 

Câu chuyện đó lặp lại ở Nam Phi hiện tại: dù người da trắng vẫn nắm giữ xương sống của nền kinh tế qua các ngân hàng, mỏ khoáng sản và đá quý, các đầu mối giao thương quốc tế, nhưng thực tế – Nam Phi chỉ còn là Thị trường hơn là quê hương của họ. Trong một thập kỷ sau khi Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) lên nắm quyền, hơn 1 triệu người da trắng đã rời khỏi Nam Phi. Và hiện tại, trong số 4,5 triệu người da trắng còn ở lại (dân số Nam Phi là 50 triệu), có tới 450.000 người sống dưới mức nghèo đói.


Đài tưởng niệm Voortrekker.

 

Nhưng người da đen đã làm gì với quyền lực mà họ có trong tay? Chỉ số phát triển con người sụt giảm thảm hại, nhưng tỉ lệ tội phạm và nhiễm HIV/AIDS thì cao nhất nhì thế giới. Dù có tên trong top 20 thị trường chứng khoán phát triển nhất thế giới, nhưng Nam Phi cũng là quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới. Tổng thống Zuma có tới 20 người con, và 4 bà vợ của ông ta mỗi năm tiêu pha 1,8 triệu USD trích ra từ ngân sách. Tỷ lệ thất nghiệp nhận trợ cấp vẫn quá cao, và làn sóng nhập cư làm cho tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn. Và, những người da đen đổ tại tất cả cho người da trắng.

 

Ở Cape Town và Johannesburg, 2 trong 4 thành phố lớn nhất Nam Phi, rất khó để thấy bóng dáng người da trắng ngoài đường. Những người da màu, chủ yếu là da đen, chiếm lĩnh đường phố, nhưng phần nhiều trông nghèo, và một số nom rất khổ. Những toà cao ốc im lìm. Nhiều khu tập thể hoang tàn và đổ nát. Hệ thống tàu điện bị bỏ hoang vì quá tồi với người giàu nhưng lại quá đắt với người nghèo.

 

Đây là người đàn ông da trắng duy nhất tôi nhìn thấy sau nhiều giờ ngồi trên xe du lịch lượn khắp đường phố ở Johannesburg. Người hướng dẫn viên du lịch gần như khẳng định: gã đó không nát rượu thì cũng nghiện cờ bạc, hoặc cả hai. Giờ tan tầm đường sá đông đúc, tôi có thời gian quan sát kỹ hành động của người đàn ông ấy. Ông ta ngỏ ý xin đi nhờ xe với nhiều người, nhưng không ai đồng ý. Rõ ràng, ông ta say xỉn và bẩn thỉu. Và những người da đen ngồi trong xe hơi máy lạnh thậm chí không buồn hạ cửa kính xuống để đáp lời ông ta…

Large marble slabs with inscription "Ons vir Jou, Suid-Afrika" - We dedicate ourselves to Him - South Africa - in the Monument.

 

Bị cô lập, nhưng không phải tất cả người da trắng ở Nam Phi đều bỏ đi. Họ ở lại với tài sản, và tự đảm bảo cho sự an toàn bằng chính sự giàu có của mình. Ở Johannesburg, thành phố là của người da đen, những người da trắng bỏ ra ngoại thành, co cụm thành từng khu, và tự bảo vệ với tường cao, hào sâu, cận vệ có vũ trang. Đó là những khu biệt thự sang trọng hơn rất nhiều so với nội thành. Ở Cape Town, những người da trắng giàu có mua những căn biệt thự giá hàng chục triệu đô bên bờ kênh nối thẳng ra biển. Đêm đến, những chiếc du thuyền của họ chạy theo dòng kênh, đỗ ngay cửa nhà như thể đậu xe hơi. Nhưng ở dãy phố bên cạnh, những người da đen vật vờ bán chác những món vặt vãnh, trộm cướp và lừa lọc lẫn nhau (họ đâu có cơ hội tiếp cận để làm điều đó với những người da trắng giàu có).

 

Nelson Mandela, chắc chắn, đã tiên liệu và cố gắng hạn chế viễn cảnh nêu trên. Hai năm sau cuộc bầu cử đa sắc tộc lịch sử, Quốc hội Nam Phi đã ban hành một bản hiến pháp mới, lúc đó có thể coi là một Cộng hòa Nam Phi được khai sinh và chọn ngày Quốc khánh 24/9. Bản hiến pháp Nam Phi có những quyền tự do và bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội được công nhận và thể hiện trong luật pháp. Hiến pháp cấm mọi chủ trương phân biệt chủng tộc, bảo đảm quyền lợi của người da trắng, người Châu Á và da màu. Nam Phi đã sống theo tinh thần bản hiến pháp mới. Tình trạng hài hoà trong cuộc sống Nam Phi đạt được là nhờ giới lãnh đạo phong trào ANC, đặc biệt là công của Tổng thống Nelson Mandela, thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc, được cả thế giới ngưỡng mộ, giữ đúng chủ trương không kỳ thị, không thù hận người da trắng. Ông bảo vệ hệ thống hành chính và nền tư pháp độc lập mà người da trắng đã thiết lập, sử dụng những người da trắng theo khả năng của họ.

 

Tháng 6/1995, trên sân vận động Ellis Park tại Johannesburg, Đội tuyển bóng bầu dục Nam Phi giành ngôi Vô địch Thế giới sau khi thắng đội New Zealand với tỷ số 15 – 12. Đó là một kỳ tích. Nhưng sân vận động phủ kín 40 vạn khán giả da đen, cổ vũ cho một đội hình thi đấu toàn bộ đều mang màu da trắng, thì đó là một huyền thoại. Và nếu không có nỗ lực thuyết phục hoà giải của Nelson Mandela, thậm chí, đội Nam Phi đã bỏ giải đấu ngay từ đầu.

 

(Câu chuyện có thật này, năm 2011 đã được đạo diễn – diễn viên nổi tiếng Clin Eastwood dựng thành phim “Invictus” – Không khuất phục. Morgan Freeman đóng vai Nelson Mandela rất thành công).

Sự thật, dù nhiều thế hệ đã gắn bó với mảnh đất Nam Phi, những người da trắng vẫn không thể thay đổi nguồn cơn sự có mặt của họ tại đây: xâm lược. Chỉ cách chừng 15 phút đi ô tô từ trung tâm thành phố Pretoria, là một di tích gây nhiều tranh cãi nhất của Nam Phi – Đài tưởng niệm Voortrekker. Được xây dựng từ năm 1937 đến năm 1949, công trình kiến trúc này có chiều cao, dài và rộng đều bằng 40m. Được thiết kế bởi Gerard Moerdijk, một kiến trúc sư say mê sự huyền bí của kim tự tháp Ai Cập, công trình này có một lỗ thủng trên nóc, và được tính toán để đúng 12h trưa ngày 16/12 hàng năm, ánh nắng sẽ rọi thẳng từ đỉnh xuống đáy tháp. Và nơi ánh nắng chiếu tới, là phiến đá hoa cương lớn với dòng chữ khắc chìm “Ons vir Jou, Suid-Afrika” (Chúng tôi dâng hiến vì Người – Nam Phi). “Voortrekker” nghĩa là “những người khai phá” trong tiếng Afrikaans (tiếng Nam Phi, xây dựng trên nền tảng tiếng Hà Lan).

Và cái ngày 16/12 ấy, là ngày mà những người Hà Lan tuyên thệ quyết tử với những người Zulu (thổ dân Nam Phi) bước vào cuộc chiến đẫm máu để giành đường sống. Đằng sau, nơi bờ biển là người Anh với tàu lớn và đại bác. Phía trước là hàng nghìn chiến binh Zulus thiện chiến – những chủ nhân thực sự của lục địa đen, hơn 500 “voortrekker” Hà Lan dồn lên 64 chiếc xe ngựa được đúc bằng kim loại, tấn công trực diện bằng súng…

 

– Chúa đã phù hộ họ, không một người Hà Lan nào thiệt mạng. Nhưng 12.000 chiến binh Zulus đã phải quy hàng – người hướng dẫn viên nháy mắt với tôi khi kể câu chuyện này – Mà Chúa thì là người da trắng, anh biết rồi đấy!

 

Tôi không hưởng ứng câu đùa ấy (dù thẳng thắn mà nói, tôi thấy nó chao chát một cách thông minh). Tôi bước vào bên trong Đài tưởng niệm. Bốn bề bức tường tầng trệt toà tháp là những phù điêu bằng đá, tạc lại câu chuyện về những người khai phá, về cuộc chiến với người Anh, về những thoả ước và lật lọng của các thủ lĩnh bộ tộc Zulus, về cuộc chiến 64 xe kéo, và về việc người Zulus sau đó đã phải thần phục như thế nào.

Bức phù điêu bên trong Đài tưởng niệm ghi lại cảnh thủ lĩnh người Zulus ký hiệp ước với ông Retief, một thủ lĩnh của nhóm người khai phá da trắng.

 

 

Đúng buổi sáng hôm đó, có một lớp ngoại khoá cho học sinh cấp 2 được tổ chức ngay trên tầng 2 của toà tháp. Các em học sinh mặc đồ hoá trang, chắc sẽ diễn lại tích xưa của cha ông. Toàn bộ đều là da trắng. Nam Phi vẫn tồn tại những trường học chỉ có học sinh da trắng – Di sản của chế độ aparthied. Với câu chuyện lịch sử đó, những công dân da trắng thế hệ tiếp theo của Nam Phi có chắc sẽ rũ bỏ được tư tưởng phân biệt chủng tộc? Đó là câu hỏi ngỏ, tương tự như câu hỏi Đài tưởng niệm Voortrekker sẽ còn tồn tại bao lâu? Bởi lẽ, chính phủ của Đảng ANC rất muốn đập bỏ di tích này, khi mà với những người da đen đó là vật chứng cho sự thất bại. Và di tích còn tồn tại, cũng có phần nhờ sự can thiệp của Nelson Mandela.

Vậy nhưng, sự hoà giải dưới bóng một cá nhân là bất khả, dù đó là cái bóng của một người khổng lồ. Mandela – hay Madiba, “già làng”, theo cách gọi vừa dân dã vừa tôn kính của thổ dân Châu Phi – đang trong những ngày tháng nguy kịch vì bệnh hiểm nghèo. Nếu vị già làng ấy ra đi, liệu gạch nối mong manh giữa các màu da ở Nam Phi có còn giữ được. Nếu không giữ được, điều gì sẽ xảy ra?.

 

“Không thể có một quốc gia vừa là bên nguyên, vừa là bên bị cáo, vừa là quan toà” – Nelson từng nói như vậy./.

 

 

BÀI MỚI