TỰ SỰ 1

Nguyễn Đăng Thành - 11/2018

Đợt này tôi bắt đầu đọc lại, đọc truyện chữ như những hồi hăm hở, truyện của chị Đỗ Bích Thủy. Bất giác mấy cao nguyên, mấy mỏm đá tai mèo, mấy cánh cửa gỗ lùa, mấy "tiếng kèn môi sau bờ rào đá" cứ thế vọng dần về Hà Nội.

Đợt này tôi bắt đầu đọc lại, đọc truyện chữ như những hồi hăm hở, truyện của chị Đỗ Bích Thủy. Bất giác mấy cao nguyên, mấy mỏm đá tai mèo, mấy cánh cửa gỗ lùa, mấy "tiếng kèn môi sau bờ rào đá" cứ thế vọng dần về Hà Nội.

Năm nay tôi đi ít, hơn năm ngoái, nhưng đi có tâm hơn nên dư cảm dường như cũng đong nhiều. Tôi để ý, nhớ từng khuôn mặt, cử chỉ, nhớ từng những khoảnh khắc, nhớ đất nhớ người. Thế nên chợt tôi cũng chẳng muốn làm một người ích kỷ nữa, muốn kể lại một vài câu chuyện từ những chuyến công tác trong mấy tháng rồi. Nói dài, âu cũng mong các anh chị, các bạn hình dung thêm, hay hiểu hơn về những góc khác trong nghề chúng ta.

[Giờ cũng hiểu tại sao người anh lớn luôn nói, đừng giữ những trải nghiệm ấy cho riêng mình, từ những chuyến đi nước ngoài, hay cả những chuyến công tác]

Cao Bằng, tháng tám năm 2018 (dự án EUHF - phóng sự Khoảng cách ngắn nhất)

"Em có hiểu không, hôm đấy mình không vào thì họ sẽ nghĩ mình như thế nào, họ còn tin tưởng mình nữa không, mình làm việc phải có tâm, và làm việc để cho những đoàn sau làm việc nữa".

Sơn Lộ nằm cách trung tâm huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chừng bốn mươi ki-lô-mét,đi gần một tiếng xuôi theo đường cái là đến đầu xã, nhưng mười ki-lô-mét cuối cùng để đi được vào trạm y tế thì chừng một tiếng hơn nếu đường đẹp trời quang, hôm đấy đoàn đi mất hai tiếng mười lăm phút, vào được tận trạm, nhưng có cái kỷ niệm nhớ, mà cũng day dứt mãi.

Sau mấy trận mưa, sạt lở và cả do xe quặng cày nát, con đường dẫn vào trung tâm xã vốn đã khó đi bộ, nay còn hiểm hơn. Này đá, sỏi tứ tung, này hố sâu hoắm một bên là vực, này dốc trơn tuột như bôi mỡ vào để thử cái xe xịn chuyên đi sản xuất. Chừng ki-lô-mét số ba sau khi vào đoạn đường khó, xe gặp phải một nồi lẩu thập cẩm như trên - không đi được. Bốn thanh niên nhảy xuống xe, tìm đá, sỏi để vào khoảng bùn hôi và trơn toẹt trước bánh. Một, hai, ba... sáu bảy lần ga, bánh trước bánh sau quay tròn như cho vào máy thử lúc đăng kiểm xe, chẳng nhích phân nào. Đến lúc ga thứ bảy, thứ tám tưởng được rồi thì lốp sau miết dài ra bên bờ vực.

Đường, vực và núi

 

"Mày tính gọi điện vào trong đấy trước đi xem thế nào, có nhờ ra đón được không"

"Em gọi rồi, trong đấy đi xe máy ra mất gần tiếng, hay là gọi điện xin lỗi hẹn các anh chị ấy ra ngoài này, hoặc để mai ạ"

"Không, Cố nốt xem, có khi phải để anh Tường anh Dũng ở đây, anh em mình thuê xe ôm đi vào"

Điện ở ngoài cứ thế gọi vào, trong cứ thế gọi ra, bà con đang trách đoàn làm phim có hẹn mà sao lâu thế, có người rục rịch đi về.

May mắn thế nào, bánh xe cà được lên bãi cỏ sát ven vực, đạp lên vài hòn đá anh em kè vào, qua được khúc hiểm, và vài khúc hiểm nữa. Đến nơi cũng là lúc bà con về, đợi lâu quá rồi, các bác sỹ, y tá niềm nở đón, nhân vật (cô đỡ thôn bản, tên là Ma Thị Ất) cũng đến đủ đầy, nhưng bị ngã xe, trầy hết chân tay. Dăm chén nước chè trước chén rượu trưa, cả trạm vui quá vì biết đường khó, đoàn vẫn vào, vẫn ngồi lại ăn uống không nề hà, nhưng vẫn có vài ý trách, vì hẹn mà không đúng, bà con có người đi vài cây số (cây số đường rừng khác hoàn toàn cây số đường bằng, một cây số đường rừng đi nhiều khi mất nửa tiếng đồng hồ) mới đến tập trung được, thế mà để người ta về mất ...

 

Buồn man mác, nhưng cực chẳng đã, quyết tâm đây phải là địa điểm ghi hình mà những lần sau tôi sẽ tâm sự nhiều hơn, phần để đền đáp, phần vì Sơn Lộ khó khăn, nhưng đẹp vô cùng, miền đất nếu mà tôi nêu rõ địa chỉ và "pâu" ảnh đẹp lên, chắc các phượt thủ sẽ lại đua nhau tới. Đúng là nhiều thứ, nên giữ riêng cho mình.


Xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

 

Chuyến làm phim sau ấy, có cả những khúc tai nạn mất hình, lúc tưởng thiết bị đã chết khúc đồng không mông quạnh, lúc có cả Quặng tặc hỏi thăm, vì bọn này mang máy quay đi ... nhưng để sau.

Chuyện sau sẽ kể

 

Hà Giang, tháng mười một năm 2018 (dự án EUHF - phóng sự Nghề hộ sinh)

1. Câu chuyện rượu và những tuổi trẻ

Kể rất nhiều và mọi người cũng biết rất nhiều về chuyện lên núi phải uống rượu, từ sở, vụ ban ngành đến cả nhà nhân vật. Hôm ấy đoàn say khướt. Vốn đường lên Yên Minh, Hà Giang đã chẳng dễ dàng gì, nào cua tay áo, nào né đá, sỏi, né công-ten-nơ. Chín tiếng rã rời trên xe và đến nơi đã sa ngay vào tử đồ bát quái rượu.

Kia chỉ là ca nước giải khát

 

Lên núi, hay đi công tác, không phải thích uống, nhưng không uống thì khó làm việc, khó thật, người ta sẽ nghĩ mình chẳng hết mình, chẳng thật lòng, giúp gì bọn nó... Thật.

Nhân kể lại câu chuyện ở một phim khác, cũng Hà Giang. Vào nhà một cô người Mông mượn váy cho nhân vật mặc, tôi với anh đạo diễn mất tám chén rượu, rượu xếch (uống không ăn), có ra có vào, có chào, có hỏi, nhưng mượn ngon lành bộ váy Mông màu sáng tinh tươm. Mà với người đồng bào, cho mượn quần áo đã là hạn chế, cho khách mượn bộ váy mới của vợ là thật sự quý, thật sự yêu.

Quay lại với Yên Minh, khó, nhưng rồi cũng xử xong. Hai mươi lít không uống cũng phải trôi dần, lúc ấy ngồi, còn mỗi tôi với anh Quản lý dự án và nguyên bệ lãnh đạo bệnh viện - địa điểm quay mà mai tám giờ sáng tất cả đều phải có mặt, chuẩn chỉnh.

Lúc về, hai thằng khoác vai, bảo đây cũng là phim cuối rồi, hơn một năm rưỡi ròng rã với nó, nhưng đến lúc gần kết thúc lại có cái gì hụt hẫng. Sương gió ban tối ở Yên Minh cũng nhẹ như Hà Nội mấy hôm nay, muốn đổ lỗi cho rượu nhưng trên đường đi bộ về khách sạn, bất giác cùng rỉ tai nhau, chẳng biết bao giờ có những kỷ niệm như thế này nữa nhỉ, rong ruổi tây nguyên, tây bắc, những chỗ sa hoa nhất, những vùng nghèo nhất, giờ còn lại biết bao nhiêu khuôn mặt, bao cung đường.

Hôm sau sáu giờ tất cả ekip dậy, một ngày quay như bình thường lại bắt đầu. 

2. Anh khóc à?

Cả năm nay, đợt này, nhất là phim này, chúng tôi làm việc với sản phụ, với bác sỹ, hộ sinh nhiều. Gần một năm nhưng cái mùi ngai ngái của các bà lâu ngày không tắm, giữa thuốc tẩy, nước giặt quần áo, mùi sữa, mùi cả đến phích nước sôi vô tội cũng bị ám ... mùi của khoa sản các bệnh viện tuyến huyện thật sự vẫn là thử thách điên người với cái mũi nhung lụa của chàng trai ở tỉnh (bằng chứng là hoàng tử Quản lý dự án sau hai phút đã phải đi ra ngoài với lý do "để anh em làm việc"), còn tôi và các anh em ekip, việc, rồi, làm đã, ngửi sau.

Có làm mới biết được sinh đứa con ra vất vả thế nào. Mang nặng chín tháng, lúc nào cũng lo cũng sợ, thay đổi tính nết, cân nặng, vóc dáng; đến cơn chuyển dạ thì thảm họa thật sự, cáu, gắt, kiệt sức, đến độ không còn sức mà kêu, chẳng còn sức mà thở. Các bà bầu lúc ấy như con mèo hen, chỉ độc biết dạ vâng, thở yếu, nôn khan, đủ các hình thái tra tấn mà bất lực không thể làm gì được. Họa đến lúc đẻ mà minh họa như gãy hai mươi cái xương sườn cùng lúc, thật sự lúc ấy tôi chẳng dám nhìn, có anh quay phim dám, nhưng nhìn qua màn kính máy quay. Khổ, tội và đau vô cùng, các bạn.

Ca đẻ lúc mười hai giờ trưa, sản phụ không còn sức đẻ thường, bắt buộc sau đẻ mổ, hội chẩn nhanh rồi đưa ngay vào buồng cấp cứu. Tôi với người anh quay phim như thường lệ, chạy ngay theo sau nhân vật hộ sinh của đợt này.

Cũng phải nói là các kỹ thuật y tế của những huyện nghèo giờ đã khá cao và có chất lượng tốt. Một ca đẻ mổ mất đúng ba mươi phút từ khâu chuyển sản phụ vào, cho đến các công tác vô trùng, chuẩn bị dao kéo, đến khi lôi được đứa bé ra khỏi bụng mẹ, áp da bé vào bầu ngực mẹ (y tế gọi là da kề da) và đưa trở lại với gia đình.

Không có gì đáng nói nếu tôi không bỏ qua khoảnh khắc ấy.

"Nó thật sự là thiêng liêng Thành ạ, anh cảm nhận được nó. Cái lúc mà lôi đứa bé ra khỏi bụng mẹ, nó cất tiếng khóc đầu tiên ... anh không biết diễn tả thế nào nữa"

"Anh khóc à?"

"Không, nhưng xúc động thật sự mày ạ"

Nhưng dối sao được cái dòng cảm xúc đang dâng đầy trên khuôn mặt và đôi mắt kia.

Chiều hôm đấy, cũng gọi điện về nhà, nhớ và thương mẹ, tâm sự vài câu không chủ đề.Nhưng nhìn theo góc độ nội dung, và thật tình cảm, tôi cũng sợ khoảng sáng ấy nhường nào.

3. Đóng máy chưa Thành?

Chưa có đợt ghi hình nào lại gắt như phim lần này. Kịch bản một nửa, tiền trạm không, nhân vật đầu mối không sắp xếp được, tiến độ thì căng hơn dây đàn. Mấy anh em vừa quay, vừa sáng tác. Tối hôm ấy vừa nghe lại phỏng vấn chuyên gia, vừa ghép lại lời, họp ekip để ghi hình, phát hiện ra cần quay thêm một cụm cảnh, lại đẻ.

Một giờ rưỡi sáng, ekip có mặt tại khoa sản bệnh viện đa khoa Hà Giang. Cái giờ sương còn chưa kịp giăng trên phố núi, mấy anh em măt vẫn còn quầng và ngái ngủ đến dại người thì nhận cuộc điện thoại gấp, sản phụ chuyển dạ.

"Các anh vào chưa, ôi lại vừa đẻ mất rồi, bà này hai đứa rồi nên đẻ dễ, con trai hai cân bảy, thôi chờ thêm tí cũng có một ca chuyển dạ, chờ tí"

"Chị làm bao nhiêu ca từ tối rồi đấy, chị tranh thủ nghỉ đi"

"Nãy anh gọi (lúc hai mươi ba giờ) là bốn ca rồi, ca này là năm, không sao đâu quen rồi ý mà"

"Vâng em cảm ơn, chị ngồi một tí đi"

Ngồi nói chuyện với chị hộ sinh một hồi, mấy anh em bắt đầu chia ra để tính cảnh quay tiếp. Hai giờ sáng, tĩnh mịch đến yên lặng, cả trong khoa sản. Thi thoảng có tiếng bà chửa kêu chồng xoa bụng, có chị con mới đẻ gắt sữa, chị lại mệt không ngủ nổi, hổn hển thở vì vết mổ đẻ ban chiều. Rồi cái mùi khoa sản nó lại cuốn lấy nhau, hòa vào cái không gian ấy, lắm lúc nghĩ lại cũng rờn rợn.

Vợ đẻ chưa chắc ông anh đã ngồi chờ thế này ...

 

Xong ca thứ hai, lần này đẻ thường. Đẻ thường thì sản phụ hay chuyển dạ bất chợt, bác sỹ, hộ sinh cũng chả quyết được giống như đẻ mổ. Anh quay phim bước ra từ phòng đẻ, tươi roi rói.

"Anh lại khóc à?"

"Mày đừng bắt anh nghĩ lại về mấy ca đẻ thường, quả hai phân lên mười tám phân đấy ... nhà anh hai đứa rồi mà anh cũng không biết, *** dám nghĩ lại nữa"

Bất giác mặt anh sầm lại, như nhớ về một điều gì cực kỳ đáng ái ngại, và đáng quên.

Hình trám, xong; thu âm hiện trường (tiếng xông), xong; một vài hình mô tả, xong.

"Chị cho em nhờ nốt cảnh này, chị ra kia đẩy cái xe giường bệnh qua chỗ này giúp em, đấy, như thế, như thế"

"Chị có mệt không"

"Không, một tuần mấy ngày, cũng quen rồi mà"

Họ trực suốt hàng đêm như thế, bao nhiêu ca, kíp, gọi là lại có mặt, mỗi nghề mỗi cảnh, nhưng đây là tính mạng không phải một, mà hai người, cả mẹ, cả bé.

Đóng máy chưa Thành?" "Em nghĩ là đủ rồi, té thôi anh, à từ từ, xin các chị kiểu ảnh đã"

 

Ba giờ ba mươi phút, chúng tôi ăn sáng như một đoàn zombie, về ngủ để tiếp tục ngày mai tám giờ bấm hình.

......................................................................................

Hôm rồi, xong phóng sự, tôi có gửi lại cho tất cả các nhân vật (phóng sự của Ất và một trạm y tế trong Gia Lai) cùng xem. Nghe họ cười rúc rích, nghe các nhân viên y tế huyện, xã, sở cảm ơn vì tái hiện lại khá thành công công việc của họ trên sóng truyền hình, cứ bồi hồi, tưng tửng suốt nguyên một ngày, đáng lẽ ra, người phải cảm ơn nhiều hơn, lại là từ phía tôi, chúng tôi. Còn cái phóng sự cuối cùng đang dở, ừ, bắt tay vào nốt đã.

Mà dạo này, hay được mọi người ưu ái, gọi là anh Thành sản, vì "sự nghiệp đẻ đá* quốc giá", cũng vui, mình tuyên truyền được phết.

Hà Nội, 30/11/2018

Đăng Thành.

Nhân đây thay mặt BTC #Gócđiệnảnh, vì các lý do liên quan đến công việc của ngày thứ bảy (1/12) nên #gócđiệnảnh xin hẹn lại anh chị và các bạn vào buổi cuối tuần sau (dự kiến thứ sáu (6/12) tại Open Space. Nếu sau bài tự sự này, các bạn thích và comment, BTC sẽ trình chiếu bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của chị Đỗ bích Thủy, về Hà Giang, về Pao. Thân mến.


Hà Giang

BÀI MỚI