NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ

Nguyễn Đăng Thành - 06/2018

Yakult Media Visit 2018 – Báo cáo dự án và chuyến công tác Nhật Bản. Những dòng đầu tiên tôi đã định viết như thế, và tôi đã viết thật. Nhưng tôi lại muốn kể một câu chuyện khác.

Yakult Media Visit 2018 – Báo cáo dự án và chuyến công tác Nhật Bản

Những dòng đầu tiên tôi đã định viết như thế, và tôi đã viết thật. Lúc đầu thiết nghĩ sẽ là một bài báo cáo chừng 1500 từ trả bài hụt deadline, nhưng tôi lại muốn kể một câu chuyện khác, theo một cách "tôi" hơn. Hệ quả thấy được sẽ là sẽ nhiều đoạn sẽ “tối nghĩa” bởi cần kíp dành để liên tưởng. Tất nhiên bài viết vẫn có cả về việc làm, cả về trải nghiệm, về những gì tôi nghe lỏm và chiếm lấy được. Dẫu sao cũng chỉ mong được một lần này, công việc,  Nhật Bản, và các bạn, sẽ hiểu nhau.

Cũng lâu rồi tôi không viết gì dài hơn những dòng “thành phố thông minh” của một dự án đỏ lửa ở công ty, lâu lắm rồi.

[Xin mượn tên những cuốn sách gần đây tôi có đọc, để làm tựa đề cho các phân mục trong bài, nhiều phần có ý đồ tôi sẽ giải thích, còn lại, hiểu thế nào cũng không cần rõ ràng lắm].

Hành trình về phương Đông theo một cách khác

 

1.         Hành trình về phương Đông.

“Thành nghiên cứu cho anh về khách hàng Yakult, liên hệ với Thảo để năm thêm thông tin, sáng ngày kia ngồi lại với anh”.

Luôn là mấy dòng tin nhanh từ trưởng phòng, Dự án và Nhật Bản đến chỉ như thế. Tôi nhanh chóng làm các công việc của một thanh niên điển hình của thế kỷ 21 – google mọi thứ tiếng ta tiếng tây để kịp cập nhật xem cái gì sẽ đến, thông tin khách hàng, và rõ ràng cái cần – cái muốn về nội dung của cuộc gặp gỡ sắp tới. Yakult là dự án nước ngoài thứ n tôi nhận từ khi vào công ty, nhưng để đi làm ở ngoài nước, thì ấy lại là lần đầu, cũng lần đầu danh chính ngôn thuận đi với vai trò VTR, phủ lên trên bức màn phải đảm bảo nội dung trả cho khách hàng của một biên tập viên thực thụ, áp lực, nhưng chuẩn bị thì chuẩn bị thôi, không sợ.

1 năm rưỡi làm việc, 2 cái sinh nhật xa nhà, nhưng đấy, không khí và thần thái

 

Thế mà nghĩ lại cái độ ấy, có mấy việc vẫn vương vướng trong đầu, trước lúc khởi hành.

Ấy là chủ động trong thế bị động, hẵng nhớ được lời nhắc nhở của anh Quỳnh từ hồi còn là trai biển biệt xứ 4 tháng Đà Nẵng. Lần farm trip này ôm 03 cái phóng sự, làm thế nào để đủ hình, đủ câu chuyện khi nghía cái lịch trình như một cuộc dạo chơi của các công ty du lịch tàu nhanh? Thế là lại đành long quay lại với cái nghề cũ - làm phim khoa học viễn tưởng, bán trí tưởng tượng. Nào cũng nghĩ những gì “sẽ” xảy ra tại các điểm đến sắp tới mà vẽ nên những kịch bản vừa lòng, vừa ý quảng đại quần chúng không chỉ người nhà, mà còn cả khách hàng; nào là tính toán cụm hình sao cho đủ, sao cho khéo, sao cho phỏng vấn được ông A, bà B mà không phạm này, tứ nọ.

“Này em mà chụp ảnh bên đấy, họ biết được họ có quyền đòi xem và bắt em xóa, thế nên là điện thoại lock Nhật mình mang về có bao giờ tắt tiếng được đâu, người Nhật họ vậy”. – theo anh N – khách hàng – kiêm phiên dịch viên.

Đấy, thế là các anh chi dùng iphone lock Nhật hiểu cái tiếng xoạch chụp ảnh làm gì rồi.

Ấy mà vẫn cố trộm, ảnh tàu từ Shibuya về Shiodome, 22h30

Cũng đã được cảnh báo nhiều, cảnh báo xa về vấn đề ghi hình cực kỳ phức tạp bên Nhật (họ có thể báo an ninh ngày và bạn có thể bị bắt sau chưa đầy 15 phút để kiểm tra máy quay, ID… - trích lời anh N), mà đoàn (đích xác là Thảo Boo) đã dày công chuẩn bị, gọi điện cho cả Phóng viên Đức Cường bên Nhật để dò hỏi hết thủ tục, làm giấy cam kết này, giấy phép nọ; tôi với anh Đức thì tính đi tính lại, đo ni đóng giày chỗ này quay bằng máy Fs5 đi, cho hình đẹp, ngoài đường thì quay máy ảnh đi, hơi rung so với kiểu của Đài, nhưng mà họ sẽ nghĩ mình khách du lịch, và đừng tỏ ra nguy hiểm…. Chúng tôi muốn và đã chủ động trong thế bị động, chúng tôi đã. NHƯNG CỰC CHẲNG ĐÃ, nhiều chuyện vẫn xảy đến mà phần sau tôi sẽ kể.

Vướng một, xong. Vướng hai là nghĩ mãi cuộc họp cuối cùng với sếp trước chuyến đi, sơ xuất đoàn chẳng in tài liệu, sếp đi thẳng ra ngoài không họp, nhưng mà, anh em cũng đọc vanh vách hôm này làm gì, ở đâu. Âu bọn em cũng lo hết thảy chuyến này ra sao, như nào, khách hàng thì mới, kỹ tính… kể cũng tội nhưng mà, lại cực chẳng đã.

Thế rồi, Nhật Bản cũng hiện ra lờ mờ sau mấy tấm kính của cả máy bay, cả Haneda Airport, nàng nép mình giữa long Tokyo chật chội (nhưng vẫn lớn hơn nhiều Nội Bài hay cả Tân Sơn Nhất). Nhật Bản dạo đầu những nắng gió và lịch lãm như mấy bức thủy mặc trên mạng, nhiệt độ 17h khoảng 28 độ, trời trong, nhiều nắng nhẹ, có vẻ, nhiều tín hiệu tốt.

 

2.         Sign and Symbol – Their Design and Meaning

 

Đúng ra phết cho mấy câu chuyện ở phần này. Tôi thích tìm hiểu mấy biểu tượng, chữ nghĩa, cuốn này của Adrian Frutiger, bản Pdf, tiếng Anh cũng nhiều, cũng khó hiểu nên cũng chả đọc hết được, để trong máy điện thoại, ngâm dần.

Quay lại với câu chuyện Nhật Bản.

Tối hôm trước khi đi, vẫn ngủ ngon, tưởng là hết cái lo. 5h30 sáng vẫn có mặt sân bay, vẫn đúng giờ, nhưng oạch pin chưa tháo ra khỏi flycam, xịn nhờ (tham khảo bài viết của tác giả Anh Đức ngày 18.5 để cảm nhận nhiều hơn). Cùng trong mạch checklist thiết bị, mang đi không dùng cái Osmo làm mất công bao nhiêu người: anh Tú mang từ Đà Nẵng ra, an hem sạc pin, chăm máy, mang hẳn sang Nhật. Eo, tự tin thế, lúc đầu ngồi vẽ ghê thế.

Rồi câu chuyện về cô phóng viên nọ, ngay từ dạo tiếp xúc đầu đã hơi nghi nghi này nọ, kẻ Nam người Bắc, làm việc đã khó, lại còn ... Mà đấy, lâu lắm rồi tôi mới phải viết report gửi về nhà dâng sếp về hành trình gian nan để yêu chiều cô ấy.

Rồi cả ánh mắt khá khó chịu của một (vài nhân vật) khi họ nhận hàng tá câu hỏi thêm không có trong lịch trình và kịch bản. Tất nhiên họ vẫn cười, nhưng tôi biết cái phép làm report ngay lập tức của họ trong ngày, và tất nhiên tối đến chúng tôi lại nghe những câu chuyện về giảm thiểu câu hỏi, và đặc biệt là thái độ hỏi, phải cười, phải nhã thế nào (tất nhiên không phải người mình, người Taj nice khủng khiếp)

Có ngày đi quay ở nhà máy, ngày thứ 3 theo lịch trình, mưa dông từ tối kéo dài đến sáng, mưa to với gió giật cấp 4, nhưng thế nào, cả đoàn vẫn bảo nhau, cố gắng, đợi, để dùng máy, để bay, cho bõ công. Trời chẳng phụ người, trời không trong hẳn, nhưng 15 phút bay fly của chúng tôi đáng giá 3 tiếng chờ đợi, cách đấy khoảng hơn 1km, lực lượng phòng vệ Nhật Bản cùng dân quân đang tập bắn, đạn thật.

Chúng tôi gắng, nhưng không gượng, tranh thủ, nắm lấy mọi “sign”, mọi “symbol” thấy được, để làm, để chạy.

3.         Phút 90++

Tựa là 90++, nhưng không ung dung để ngắm Nam Phi, ngắm Đông Âu như tác giả Anh Ngọc trong tác phẩm. Tất thảy gần hai tháng, kể từ khâu chuẩn bị, lẫn sang nước bạn làm việc, hay cả đi dạo buổi tối, gần như, mấy đôi chân thẳng bao giờ chịu đi bộ, chúng tôi chạy,

Lo lắng là việc thường tình, bình tĩnh chậm chậm lại mới đúng? Không, chạy mới là cách để chúng tôi đảm bảo khối lượng công việc. Các bạn làm nghề, nên chăng hiểu cho chúng tôi, ghi hình không biết trước mà muốn làm phóng sự đẹp, phóng sự hay, phải lo lắng cho khuôn hình và nội dung của mình như thế nào., không đủ hình, về chỉ có chết.

5 ngày đêm, thời gian biểu ắt sẽ là 5h15 tỉnh giấc, vệ sinh cá nhân; 5h30 gọi đoàn dậy, 6h đảm bảo không thiếu một ai dưới sảnh ăn sáng, 6h15-6h30 tùy hôm đã yên vị trên xe, thần thái, sắc mặt phải rạng ngời; ghi hình sáng- trưa- tối 11h về đến nhà, vệ sinh cá nhân, email này, nọ, 01h lên giường. Nhớ 2 ngày đầu tiên không dám ngủ, sợ khách nhìn thấy mình hơi yếu, nhưng hồi sau, cũng chẳng bõ quãng đường xa, tựa vai người anh đồng nghiệp bên cạnh mà đánh một giấc, cả xe ngủ.

Không chỉ ngủ mà còn cả ăn, 4/5 bữa trưa ăn ngay trên xe

và chỉ dám ngủ sâu giấc khi đến sân bay, kết thúc hành trình

 

Chúng tôi chạy qua những phòng thí nghiệm, chạy qua nhà máy, bệnh viện, khách sạn; chạy cả vào thành phố, leo đến cả nhà dân, dẫu đâu đủ hình, chúng tôi chạy. Lúc đầu nghĩ cũng tội chị Hương, gầy rồi lại mệt, nhưng lo khéo thừa, chạy còn nhanh hơn, sức còn bền hơn mấy anh em thanh niên. Cũng may nhờ chị trong chuyến này kìm lại cái tính bột phát của tuổi trẻ hộ tôi, không thì, chà, lại chuyện cô phóng viên, bài học cho những ngày về sau nữa, nhiều lúc ức không nói được gì thì thôi, quay đi chỗ khác, lúc quay lại mặt phải tươi, phải đẹp, phải thớ lợ.


Nhưng lúc này tươi thật, tươi 100%. Ảnh chụp cùng Mr Phó tổng Yakult Honsha

 

Chúng tôi không đi bộ, có cả những lúc dìu nhau, chạy, cũng vừa để tinh thần lên, vừa để người ta nhìn cái cách chúng tôi làm, chúng tôi thật sự làm, chiếm mọi khoảng không để làm, chúng tôi không đi bộ, chúng tôi chạy, trong một không gian không mới chẳng cũ, chạy cùng mặt trời.

TAJ, from JP

 

4.         Ngàn mặt trời rực rỡ

Nhớ lại hình ảnh thật đẹp trong câu chuyện về Trung Đông, về một thế giới khác cũng tình cờ thay, quốc kỳ của Nhật Bản cũng có mặt trời, và mỗi con người tôi gặp trên đất nước này, cũng giống như Mariam, Laila trong cuốn sách kia, là một mặt trời rực rỡ,

Ngày thứ 2 trong chuyến công tác, chúng tôi ghi hình tại viện nghiên cứu của Yakult, trong lúc đoàn đang vào làm thủ tục (xem mấy cuốn bang mà mọi tour đều phải xem), tôi hẵng đang set máy ngoài sảnh cho cuộc phỏng vấn thì nhân vật lại đến thật tình cờ

“Này, bạn đã uống Yakult bao giờ chưa, tôi mời bạn dùng thử này”

“Ồ, tôi cảm ơn, loại này tôi nhìn giống ở Việt Nam quá, ở Việt Nam tôi cũng đã từng uống rồi”

“À, thế Việt Nam thế nào, tháng 8 tôi sẽ sang đấy …”

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh, vốn tôi cũng không ngại. 20 phút, tôi tính 20 phút ngồi nói chuyện với ông này, cũng vui, đủ thứ, hóa ra người Nhật họ đâu khó, lựa lời, biết suy nghĩ, và luôn nở nụ cười, ắt hẳn việc gì cũng dễ hơn nhiều.

“Hide san, bạn có thể gọi tôi là Hide san” (chữ San trong tiếng Nhật cũng thân ái nhẹ nhàng, đệm vào khi gọi tên ai đó, một phần cũng là phép lịch sự)

Chẳng dè, ấy chính là nhân vật của phóng sự, Tiến sỹ Shibata – trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty Yakult Honsha. Ông học bên Mỹ 10 năm, nên tiếng Anh cũng dễ nghe ra trò.

“Koinichiwa, Hide san”, lúc về tôi nhớ có chào như thế, khách hàng đứng cạnh bảo em gọi ông ấy là Dr Shibata chứ, sao lại thế? “Không, Thành có thể gọi tôi là Hide”, Hide san kịp ngắt lời.

Mặt trời còn ánh vàng trên tay lái của chiếc xe 16 chỗ, mà tôi coi là chuẩn mực cho mọi dịch vụ của Nhật Bản. Luôn có mặt đúng trước giờ 10 phút (tôi hay ra trước ngó xe); luôn ra tận cửa đón khách vào, chào từng người một; luôn lấy việc xách đồ, đưa đồ lên xe giúp mọi người là nhiệm vụ của mình; ân cần chu đáo và sạch sẽ đến hơi sợ với găng tay và khẩu trang 100% cùng chiếc đầu gọt nhẵn thính, đến là gọn. Người sao, của chiêm bao là vậy, xe không mùi, đầy đủ trà café, đá và nước nóng, thiết kế vừa vặn cho hơn chục người ngồi an nhàn cả hành trình. Rồi xuống xe, cúi đầu chào từng người một, câu cảm ơn cài sẵn sau lớp khẩu trang dày. Tôi, cả mọi người cũng chào lại, cảm ơn, lien tục, hiện hữu từng góc chúng tôi đi, đến… Giờ về đến nhà, nhiều lúc cảm ơn cậu phục vụ vì mang cốc café ra, cậu cũng ngờ ngợ, chắc chưa bao giờ người ta cảm ơn cậu như thế.

Nếu tưởng tượng dài và dày hơn, thì đi ra khỏi 4 bức tường phòng, tôi luôn phải đối mặt với hàng ngàn quả bom nguyên tử, hàng ngàn mặt trời. Mỗi con người ở đất nước kỳ lạ ấy nhiều năng lượng đến kinh ngạc, từ sáng, đến sáng.

Nhưng nhìn theo góc độ nội dung, và thật tình cảm, tôi cũng sợ khoảng sáng ấy nhường nào.

 

Nếu tưởng tượng dài và dày hơn, thì đi ra khỏi 4 bức tường phòng, tôi luôn phải đối mặt với hàng ngàn quả bom nguyên tử, hàng ngàn mặt trời. Mỗi con người ở đất nước kỳ lạ ấy nhiều năng lượng đến kinh ngạc, từ sáng, đến sáng.

Nhưng nhìn theo góc độ nội dung, và thật tình cảm, tôi cũng sợ khoảng sáng ấy nhường nào.

Ở góc cửa sổ khách sạn, nhìn thẳng ra mấy đường ray đan vào nhau, chính xác như giờ tàu chạy ở Nhật, cả những ga như Shibuya, hay Shiodome, Saitama, tàu chẳng đến muộn quá vài (chục giây). Như tôi có kể, lịch sinh hoạt của đoàn phía trên, nhắm hay mở mắt cũng sẽ thấy mặt trời. Mở rèm, 5 rưỡi, tàu đã chạy, mặt trời đã lên. Cả ngày ngồi xe, chui trong một khối, đi làm, một khối, tối về đi tàu điện, vẫn một khối, và đến sáng hôm sau, một khối, những đèn điện. Mặt trời không bao giờ lặn, ở nước Nhật.


Sáng ngày quay mưa như thế, chờ mãi, thế mà chiều

 

Chẳng thế mà, nhiều người không chịu nổi, nhảy, tàu chậm 1, vài tiếng, rồi lại chạy, chuẩn đến hàng giây. người Nhật không quá đúng giờ như các bạn nghĩ, cũng say sưa, dậy muộn, cũng kì keo… Ấy bấy nhiêu mới thấy họ cũng bình thường, cũng con người,

 

Kết, (ban đầu tựa là "Thế giới (KHÔNG) phẳng)

Tính ra, nước ngoài nước trong, ai cũng thế, hay do thế giới đã phẳng, và được mở mang nhiều hơn, nên tôi không quá nhớ những ngày tại Nhật Bản, không quá nhớ Phú Sỹ sau một thoáng trầm trồ, không quá nhớ những sơn hào hải vị đã miệng đã mắt, không quá ấn tượng những công trình kiến trúc.

Chính ra tôi lại nhớ quãng thời gian họp hành chuẩn bị, cách tất cả mọi người cùng lo lắng đến quá thể bi hài là học thuộc tất cả lịch trình, cách phối hợp với đối tác, vừa coi là người thân nhưng cũng vừa giữ đẹp một khoảng cách công việc, rồi cả cách yêu chiều những thành viên khó “nhằn” trong đoàn; nhớ cả những lời cảm ơn hay cả

Tôi học được những điều ấy, tôi cần những điều ấy cho những lần sau và sau nữa của mình. Tôi không cảm ơn mà tôi biết ơn những đồng nghiệp trong chuyến đi, và cả những cánh tay phía sau luôn đẩy một cách có chủ đích cho tôi đi về phía trước, những lời tôi không chia sẻ, không nói thành lời.

Lại nhắc, may thế, làm việc ở TAJ hơn 1 năm, cũng quen giờ mặt trời, nên cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, càng thấy nể phục những người, những bạn đồng nghiệp, vừa làm gương, vừa tiếp sức một cách rất vô hình cho mình trên con đường dài ấy như thế nào, ngàn mặt trời ở TAJ vẫn rực rỡ.

Sẽ có những câu chuyện, tôi sẽ tiếp tục kể, vì dự án vẫn còn chưa kết thúc.

 

Hà Nội, 8/6/2018

Chậm deadline 8 ngày

1:00 luôn là lúc mọi người mới ngồi lại được, để chuẩn bị cho ngày hôm sau

Cô chị Doreamon dẫn đoàn always, mặc dù nhiệm vụ của chế luôn là đi sau chốt đoàn

Chất hơn nước cất

Làm được chơi được

 

P.s: Sẽ vẫn có vài Tip nhỏ cho những ai sẽ dành thời gian để ngắm mặt trời 24h ở Nhật Bản.

Cửa hàng tiện lợi tuyệt đối tiện lợi, đừng mất công mang mỳ gói cho nặng cả quá trình chuẩn bị.

- VoiceTra là phần mềm cực kỳ hữu hiệu và thần thánh đối với những người muốn đi đây đó, bất kể ngôn ngữ gì nó cũng có thể dịch, nói + viết lại ngay được

- Tiếng Anh không phải là chìa khóa vạn năng để mở cửa thế giới, nhưng là chìa khóa đa năng để mở ra nụ cười và các mối quan hệ.

- Tự tin lên khi đã mua được vé tàu, không lạc đâu, mà sợ, kể cả khi bạn đứng giữa vài chục nghìn người đi lại như một cơn gió ở Shibuya.

- Đi thang tự động, nếu đứng – đứng gọn vào bên trái để người khác muốn đi nhanh họ sẽ vượt phải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI MỚI