AUSTRALIA – THERE CAN BE MIRACLE…

Quản Thị Liên Hương - 05/2019

“Điều kì diệu sẽ đến khi bạn tin vào nó”. Một nước Úc xinh đẹp, nơi có chuột túi và gấu Koala. Brisbane, một thành phố trẻ và thịnh vượng. Sydney, nơi tràn ngập ánh nắng mặt trời.

Câu hát yêu thích “There can be miracles when you believe” trong bài hát When you believe của Whitney Houston và Maria Carey chợt vang lên trong đầu khi chuyến công tác dài ngày đặt trong tay tôi tấm vé máy bay đến với nước Úc xinh đẹp – đất nước Kangaroo và Kaola – sau bao ngày mong đợi. 12 tiếng vượt đại dương trên chuyến bay của hãng hàng không Thái, Brisbane chào đón tôi cùng 2 phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam.

Nằm ở phía đông bang Queensland và cách Sydney 900km về phía bắc, Brisbane là thành phố lớn thứ 3 nước Úc với không khí biển đặc trưng. Không khí se lạnh của những ngày cuối đông tháng 9 khiến chúng tôi khẽ rùng mình khi bước chân ra khỏi sân bay. Mặc vội chiếc áo khoác và quàng thêm chiếc khăn ấm đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi hít một hơi thật dài để tận hưởng không khí trong lành trước khi bước lên taxi về khách sạn. Không khoa trương hào nhoàng với những tòa nhà cao tầng san sát nhau như New York, thành phố mang một vẻ đẹp bình dị, thân thiện như chính người dân nơi đây. Nhà cửa ở Brisbane đa phần được xây dựng trên một diện tích rất lớn để chừa không gian cho khoảng xanh sân vườn. Người dân Brisbane yêu thích ở trong những căn nhà rộng lớn có sân vườn của riêng họ hơn là những căn hộ cao ốc ở trung tâm thành phố. Chính vì vậy, xe hơi cá nhân trở thành phương tiện được sử dụng phổ biến ở đây. Nhà cửa, những khu trung tâm mua sắm hay các khu văn phòng ở khu trung tâm thành phố luôn phải dành ra một diện tích khá lớn xung quanh để làm bãi đỗ xe.

20 phút di chuyển bằng taxi từ sân bay quốc tế Brisbane, khu trung tâm hành chính và thương mại thành phố, hay còn gọi là khu CBD, dần hiện ra với những tòa nhà cao tầng phong cách Âu – Mỹ hiện đại, biểu trưng cho một thành phố trẻ, năng động và đang phát triển mạnh mẽ. Điều làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi rất gần nhưng tòa cao ốc là một cánh rừng nhiệt đới thu nhỏ. Chỉ cách những tòa nhà trung tâm khoảng 1km, vườn thực vật Botanic Garden là một khu bảo tồn thực vật nằm dọc bờ sông thành phố với cây cối được bảo vệ như lúc nguyên sơ. Khu vườn là nơi thư giãn yêu thích của người dân Brisbane sau những giờ làm việc căng thẳng và áp lực. Những sự kiện lớn của thành phố như lễ hội pháo hoa đầu năm thường được tổ chức tại đây.

 

Người dân Australia nói chung rất yêu thích những hoạt động ngoài trời. Những thành phố ven biển với khi hậu ôn hòa ấm áp luôn là lựa chọn hàng đầu cho các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí. Đó là lí do vì sao Brisbane sớm trở thành trung tâm du lịch của bang Queensland nói riêng và Australia nói chung. Thành phố không quá lớn với nhiều điểm du lịch mang hơi hướng thiên nhiên như thung lũng Fortitude, các công viên ngoài trời…, đều cách khu CBD khoảng chục phút di chuyển bằng phương tiện công cộng. Nếu có điều kiện thời gian, du khách và người dân có thể dạo chơi thành phố biển Gold Coast ở phía Nam, tận hưởng không khí biển trong lành tại Sunshine Coast ở phía bắc, hay ngắm vịnh Meraton ở phía đông Brisbane. Các gia đình tại Brisbane thường trang bị một chiếc thuyền nhỏ và kéo đằng sau ô tô cho mỗi dã ngoại cuối tuần. Tranh thủ khoảng thời gian eo hẹp của chuyến công tác, chúng tôi nhảy tàu điện đến thung lũng Fortitude để khám phá sinh hoạt của người dân bản địa. Thung lũng Fortitude chính là trung tâm văn hóa của Brisbane. Tận hưởng ly cà phê, nghe nhạc sống, mua sắm tại các khu chợ ngoài trời hay thưởng thức tiệc nướng tại khu China Town luôn đọng lại dư vị trong tâm trí của những ai đã từng đặt chân tới đây.

 

Tạm biệt Brisbane, chuyến bay Tiger Air đưa chúng tôi đến với Sydney, thành phố lâu đời nhất ở Úc và là thủ phủ của bang New South Wales.

Vốn thích các thành phổ cổ Châu Âu, từng lang thang cả ngày trên những con đường lát đá, ngắm những tòa nhà cổ kính và thăm những thư viện lắng đọng màu thời gian ở Paris hay Florence, lần đầu đến với Sydney, tôi cố gắng tìm kiếm chút gì đó lắng đọng nơi đây và ngầm so sánh với những thành phố châu Âu mà tôi đã từng qua. Một chút thất vọng thoáng qua khi cảm nhận Sydney còn non trẻ quá so với những quốc gia Tây Âu giàu lịch sử, Sydney đã thực sự thu hút tôi khi mang trong mình sự tươi trẻ rất riêng.

Thành phố Sydney là một trong những nơi có dân số với nguồn gốc sắc tộc đa dạng nhất ở Úc. Hầu như phân nửa cư dân thành phố này sinh trưởng ở nước ngoài và gần 30 phần trăm cư dân nói ngôn ngữ khác tiếng Anh. Sau tiếng Anh, các ngôn ngữ thường được sử dụng ở nhà nhiều nhất là tiếng Hoa rồi đến tiếng Nam dương, Hy lạp và tiếng Nga.

 

Đến với Sydney, Cầu cảng Sydney và Nhà hát Con Sò là điểm nhấn đặc biệt mà không khách du lịch nào có thể bỏ qua. Nhà hát Con Sò dựa lưng vào Cầu cảng Sydney, được Jorn Utzon, kiến trúc sư người Đan Mạch thiết kế có hình hài một con thuyền với những cánh buồm căng no gió vươn mình ra biển xanh bao la. Câu chuyện về quá trình xây dựng Nhà hát Con Sò thực sự mang lại thú vị cho bất cứ ai ưa tìm hiểu. Ý tưởng xây dựng nhà hát được thai nghén bởi Jorn Utzon từ những năm 50 của thế kỷ trước, và mãi tới năm 1973 nhà hát mới được khánh thành. Chi phí ban đầu dự toán cho nhà hát chỉ là 3,5 triệu USD. Sau đó chi phí đã đội lên 100 triệu USD. Người đưa ra ý tưởng và chỉ đạo công trình, kiến trúc sư Utzon đã bị đuổi khỏi nước Úc vì không chịu nhượng bộ những phương án xây dựng có chi phí thấp hơn. Chính vì vậy, ông đã thề: không bao giờ nhìn lại nước Úc và đứa con tinh thần của mình. Khi ra đời, nhà hát opera Sydney được tôn vinh là một trong những công trình đẹp nhất thế giới mọi thời đại. Nhìn từ vùng biển cảng khi ánh mặt trời chiếu xuống, tòa nhà như một chú thiên nga mỹ lệ trên bầu trời xanh. Nhà hát opera được xây dựng trên diện tích 1,8 ha. Lớp vỏ ngoài nóc nhà nặng 161.000 tấn. Vùng ngoài phần “cánh buồm” gắn hơn 100 vạn viên gạch sứ chống vi khuẩn của Thụy Điển, vĩnh viễn không cần làm sạch và phát sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.

 

Sydney luôn tràn trề nắng, cho dù bạn đang ở giữa mùa đông. Trưa mùa đông ở đây thường có mặt trời ấm áp và nắng vẫn làm rám má hồng con gái. Dù là trong ngày mưa, khi những giọt mưa cuối cùng còn vương lại, ánh nắng đã dần xâm chiếm không gian nơi đây. Nao lòng với vẻ diễm lệ nơi đây, tôi chọn cho mình một ly café để có thêm thời gian tận hưởng khung cảnh này. Người Sydney đặc biệt thích cà phê. Buổi sáng đi lại ở khu trung tâm, bạn thường nhìn thấy những hàng xếp dài chờ mua cà phê. Người Sydney không thể mở mắt làm việc nếu không có cốc cà phê trên tay. Hai cô gái vừa đi lướt qua tôi, họ ríu rít nói cười với cốc cà phê nóng trên tay.

 

Chuyến công tác kết thúc trong sự nuối tiếc của tôi và hai phóng viên cùng đoàn. Tạm biệt nước Úc với những ấn tượng và kí ức đẹp, chúng tôi tự dặn lòng sẽ quay trở lại trong một ngày không xa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI MỚI